Nếu bạn đã từng nghe ở đâu đó về Kriya Yoga, thì người đầu tiên truyền bá Kriya Yoga đến với đại chúng chính là Lahiri Mahasaya – hiện thân vĩ đại của Yoga. Chúng ta cùng tìm hiểu cuộc đời của vị Yogi khả kính này nhé.
Nội dung
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LAHIRI MAHASAYA
Lahiri Mahasaya, thế danh là Shyama Charan Lahiri, sinh ngày 30/9/1828 trong một gia đình Brahmin ở quận Nadia của xứ Bengal. Ông là con trai út của Muktakashi, vợ của Gaur Mohan Lahiri.
Pháp danh của Ngài – Yogavatar có nghĩa là hóa thân của Yoga. Đây là danh hiệu được đệ tử đời sau Paramahansa Yogananda dành tặng cho vị Yogi quá cố.
Mẹ ông qua đời khi ông còn thơ bé — rất ít được biết về bà, ngoại trừ việc bà là tín đồ của Thần Shiva. Vào tuổi lên ba hay lên bốn, ông thường ngồi trong tư thế thiền định, cả cơ thể chôn vùi trong cát tới cổ. Khi Lahiri lên năm tuổi, ngôi nhà tổ tiên để lại của ông bị phá hủy trong một trận lụt, do đó gia đình di chuyển về Varanasi, nơi ông trải qua gần như là hết cả cuộc đời
Năm 1846, Lahiri cưới bà Srimati Kashi Moni. Họ có hai người con trai, Tincouri và Ducouri. Ngài làm kế toán của Bộ Kỹ thuật Quân sự của nhà nước Anh, công việc làm ông đi khắp Ấn Độ. Sau khi cha ông qua đời, ông đóng vai trò nuôi cả gia đình ở Varanasi.
Vào năm 1861, sau cuộc gặp gỡ định mệnh với Guru của mình (Mahavatar Babaji), Lahiri Mahasaya đã thức tỉnh và được thọ giáo Kriya Yoga từ vị Yogi bất tử. Kể từ đó Ngài dành cả cuộc đời để truyền bá Kriya Yoga cho đại chúng với vai trò là một cư sĩ tại gia.
Ngày 26/9/1895, Ngài triệu tập các đệ tử, dặn dò một số điều trước khi nhập Đại Niết Bàn (Mahasamadhi).
LAHIRI MAHASAYA GẶP GỠ MAHAVATAR BABAJI, NƠI KRIYA YOGA BẮT ĐẦU
Vào năm 1861, Lahiri Mahasaya được thuyên chuyển tới Ranikhet, dưới chân của dãy Himalaya.
Trong một cuộc dạo chơi đầu giờ chiều, sững sờ khi nghe thấy một giọng xa xa gọi tên mình, Lahiri hăm hở trèo lên núi Drongiri. Sau cùng khi đến được một cánh rừng thưa hai bên lác đác hang động, Ngài chạm mặt một thanh niên đang ngồi tươi cười trên một vách đá, chìa bàn tay ra đón chào.
“Lahiri, con đến rồi! Hãy nghỉ ngơi trong động này. Chính ta là người đã gọi con.”
Sau thời khắc gặp mặt và trò chuyện, Babaji khai tâm cho Lahiri Mahasaya nhớ lại tiền kiếp làm Yogi của mình
“Khi ta vẫn im lặng ngẩn ngơ, vị thánh đến gần và vỗ nhẹ lên trán ta. Với cái chạm như nam châm của ngài, một dòng điện kỳ diệu lướt qua não ta, phóng thích những ký ức-chủng tử ngọt lành về tiền kiếp của ta.”
Sau phút giây hội ngộ đầy cảm xúc, Babaji hướng dẫn Lahiri uống dầu và nằm xuống nhẹ nhàng bên bờ sông để hồi tưởng lại ký ức. Hàng giờ đồng hồ trôi qua, cuối cùng Ngài được đồng môn đánh thức và dẫn đi gặp sư phụ.
Cảnh tượng hiện ra trước mắt hoàn toàn choáng ngợp. Một cung điện lấp lánh bỗng chốc hiện ra giữa rừng già tựa như một câu chuyện cổ tích. Lahiri như lạc trong sự xa hoa bất tận của cung điện, một ao ước ẩn kín trong tiềm thức được hóa giải. Tiếp đó Ngài gặp lại Babaji ngồi kiết già giữa cung điện.
“Lahiri, con còn đang thưởng thức những ham muốn mộng mị một cung điện bằng vàng hay sao? Tỉnh dậy đi! Mọi khát khao trần tục của con sắp được làm dịu mãi mãi. Con trai ta, đứng dậy đi. Hãy thọ điểm đạo vào thiên cung của Thượng đế qua Kriya Yoga.”
Babaji chìa bàn tay ra; một ngọn lửa homa (thiêng) hiện ra, xung quanh là hoa trái. Lahiri Mahasaya thọ kỹ thuật yoga giải thoát trước hỏa đàn này.
Sau 7 ngày nhập định nirbikalpa samadhi, đến ngày thứ 8 Lahiri Mahasaya đã hoàn toàn được giải thoát.
“Con đã được chọn để mang lại phúc lạc tinh thần thông qua Kriya Yoga cho nhiều con tim tìm kiếm tha thiết. Hàng triệu người đang bị ràng buộc bởi các mối quan hệ gia đình và các nghĩa vụ trong cuộc sống, họ sẽ được gột rửa con tim thông qua con, một người có cuộc sống như họ. Con sẽ là minh chứng cho họ thấy rằng những thành tựu yoga cao nhất vẫn dành cho những cư sĩ đã có gia đình… Từ cuộc sống cân bằng của con, họ sẽ hiểu rằng sự giải thoát phụ thuộc vào sự buông bỏ bên trong, hơn là bên ngoài.”
Mahavatar Babaji nhắn nhủ Lahiri Mahasaya. Kể từ thời điểm đó, Kriya Yoga được phổ cập đến đại chúng thông qua Lahiri Mahasaya.
LAHIRI MAHASAYA VÀ CÔNG CUỘC TRUYỀN BÁ KRIYA YOGA ĐẾN VỚI ĐẠI CHÚNG
Kể từ cuộc gặp định mệnh năm 1861 đến khi nhập diệt, Ngài dành trọn cuộc đời như là một cư sĩ tại gia, biểu hiện sự cân bằng giữa công việc, gia đình và tâm linh.
Thực hành chính về tâm linh mà Lahiri Mahasaya dạy cho đồ đệ của mình là Kriya Yoga, gồm nhiều kỹ thuật pranayama để đẩy nhanh quá trình phát triển tâm linh của người thực hành. Ngài dạy kỹ thuật này cho tất cả những người thành tâm muốn tìm hiểu, bất kể tôn giáo hay giới tính của họ.
Câu trả lời cho nhiều loại vấn đề mà đệ tử hỏi, gần như là như nhau — “Hãy thực hành thêm Kriya Yoga”.
Một số đồ đệ nổi tiếng thọ hưởng giáo pháp Kriya Yoga của Ngài là: Sri Panchanon Bhattacharya, Swami Sri Yukteswar Giri, Swami Pranabananda, Swami Keshabananda, Sri Bhupendranath Sanyal và cha mẹ của Paramahansa Yogananda cùng nhiều đệ tử khác.
BỨC ẢNH DUY NHẤT CỦA LAHIRI MAHASAYA
“Ta là Tinh Thần. Máy ảnh của ngươi có thể phản chiếu Đấng Vô hình có mặt khắp nơi không?” – Lahiri Mahasaya
Đây là bức ảnh duy nhất mà Lahiri Mahasaya chấp nhận chụp. Nguồn gốc của bức ảnh nói trên được kể lại bởi Paramhansa Yogananda trong “Tự truyện của một Yogi”:
“Dường như thầy không thích chụp ảnh. Bỏ ngoài tai sự phản đối của thầy, một lần có kẻ đã chụp hình thầy cùng một nhóm tín đồ, trong đó có cả Kali Kumar Roy. Chính kẻ chụp hình đã kinh ngạc phát hiện ra là tấm kính ảnh, có hình ảnh rõ ràng của đủ mặt đệ tử, lại chẳng cho thấy gì ngoài một khoảng trống ở giữa, nơi mà đúng ra y tưởng sẽ thấy hình dáng Lahiri Mahasaya. Hiện tượng này khiến mọi người bàn tán xôn xao.”
Một đệ tử của Lahiri tên Ganga Dhar tìm gặp sư phụ. Nhiều giờ sau Lahiri Mahasaya mới phá tan sự im lặng bằng một câu chất chứa:
“Ta là Tinh thần. Máy ảnh của con có thể nào phản chiếu Đấng Vô hình có mặt khắp nơi không?”
Ganga Dhar tha thiết:
“Con hiểu là không thể! Nhưng, thưa thầy, con tha thiết mong được một tấm ảnh thờ hữu hình của thầy. Tầm nhìn của con hạn hẹp; trước đến giờ con đã không nhận ra là Tinh thần ngụ trọn vẹn nơi thầy.”
Lahiri trả lời:
“Thôi được, sáng mai hãy đến đây. Ta sẽ ngồi cho con chụp.”
Một lần nữa nhiếp ảnh gia điều chỉnh tiêu cự máy ảnh. Lần này hình dáng linh thiêng của Ngài hiện rõ nét trên tấm kẽm ảnh. Từ đó Lahiri Mahasaya không bao giờ ngồi cho chụp tấm hình nào nữa.
LAHIRI MAHASAYA NHẬP ĐẠI NIẾT BÀN (MAHASAMADHI)
Swami Keshabananda thuật lại cho Paramhansa Yogananda về sự ra đi của Lahiri Mahasaya:
“Một vài ngày trước khi Guru của ta từ bỏ xác thân của mình, Ngài đã hiện hình trước mặt khi ta ngồi trong Ashram của mình ở Hardwar.
‘Hãy đến Benares ngay.’ Xong những lời này, Lahiri Mahasaya biến mất.
Ta lập tức lên đường đi Benares. Tại nhà của Thầy, ta thấy nhiều đệ tử đang tập hợp. Liên tiếp nhiều giờ ngày hôm đó, Thầy đã giải thích kinh Gita; sau đó Ngài nói một cách nhẹ nhàng.
‘Ta đang về nhà.‘
Những tiếng nức nở đau khổ bùng lên như một dòng thác không thể cưỡng lại.
‘Hãy bình tĩnh; Ta sẽ sống lại.’
Sau câu nói này, Lahiri Mahasaya ba lần xoay thân mình thành một vòng tròn, hướng mặt về phía bắc trong tư thế hoa sen, và bước và nhập Đại Niết Bàn một cách vinh quang.”
Lần thiền định cuối cùng, Ngài biết trước khi thời khắc cuối cùng sắp đến với cơ thể, tâm thức Lahiri đã hòa mình vào AUM vũ trụ.