Trong một cuộc phỏng vấn bằng video được đăng trực tuyến vào tháng 9 năm 2013, Giám đốc điều hành của Salesforce.com, Marc Benioff, đã thuật lại như sau:
Khi tham dự tang lễ khi Jobs qua đời, những người tham dự được trao một chiếc hộp nhỏ màu nâu trên đường rời đi. “Điều này sẽ tốt thôi” anh nghĩ. “Tôi biết rằng đây là quyết định của anh ấy, và dù là gì đi nữa thì đó cũng là điều cuối cùng anh ấy muốn tất cả chúng ta nghĩ đến.”
Chiếc hộp chứa một bản sao cuốn sách của Paramahansa Yogananda, tựa đề “Tự truyện của một Yogi”. Đó là một cuốn sách tinh thần đã truyền cảm hứng cho Jobs trong suốt cuộc đời của ông.
“Tự truyện của một Yogi” là gì mà lại có sự ảnh hưởng sâu sắc đến Steve Jobs đến nỗi ông phải tặng cho đại chúng mỗi người một quyển như vậy? Và thông điệp Jobs muốn nhắn nhủ là gì? Cùng bắt đầu tìm hiểu nhé:
Giới thiệu về “Tự truyện của một Yogi”
“Tự truyện của một Yogi” – (Autobiography of a Yogi) là tự truyện về cuộc đời của của Paramahansa Yogananda (05/01/1893 – 07/03/1952) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1946. Tác phẩm được viết dưới dạng hồi ký, kể về cuộc đời của cậu bé Mukunda Lal Ghosh (tên húy của Yoganandaji) và hành trình giác ngộ tâm linh của mình. Trên cuộc hành trình ấy Yoganandaji đã gặp gỡ với các vị Thánh có những thần thông kỳ lạ, các vị chân sư có ảnh hưởng sâu sắc Ấn Độ và thế giới. Đặc biệt trong sách có mộ tả rất cụ thể về phương pháp Kriya Yoga – kỹ thuật điều khiển hơi thở để kiểm soát vận mệnh của bản thân (bằng cách kiểm soát năng lượng, thân thể và tâm trí).
“Tự truyện của một Yogi” đã mô tả sinh động cuộc đời của một vị Yogi, người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong việc đưa giáo lý tâm linh Phương Đông đến truyền bá tại Phương Tây. Tác phẩm đã góp phần làm sáng tỏ truyền thống văn hóa và các giáo lý tâm linh của Ấn Độ.
Ảnh hưởng của “Tự truyện của một yogi” đến Steve Jobs
Theo quyển: “Steve Jobs: The Exclusive Biography” (Tiểu sử về cuộc đời Steve Jobs) của Walter Isaacson’s.
Tại chương 3, tác giả có thuật lại cuộc sống của Steve Jobs khi còn là sinh viên năm nhất (năm 1972), ông đã bắt đầu tìm hiểu về tâm linh và thiền thông qua nhiều tác phẩm khác nhau, trong đó có “Tự truyện của một Yogi”. Như sau:
Jobs bắt đầu chia sẻ với Kottke những cuốn sách khác, bao gồm cả “Thiền Tâm”, “Luyện tập trí tuệ cho người bắt đầu” của Shunryu Suzuki, “Tự truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda và “Vượt qua chủ nghĩa duy vật tinh thần” của Chὃgyam Trungpa. Họ lập ra một phòng thiền trong một căn gác áp mái phía bên trên phòng của Elizabeth, tu sửa lại với những bức hình về văn hóa Ấn Độ, trải thảm phòng, nến,hương và những chiếc thảm tập. Jobs kể “Có một khoang trống giữa trần nhà dẫn lên gác mái, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn dùng thuốc ảo giác ở đây nhưng chủ yếu chúng tôi chỉ lên đây để thiền”.
Sự gắn bó của Jobs với thế giới tâm linh phương Đông, đặc biệt là Thiền Phật giáo không phải chỉ là những ham mê nhất thời của tuổi trẻ. Ông theo đuổi nó hết mình giống như nét tính cách vốn có của ông. Kottke nói với tôi rằng “Steve rất sùng bái Thiền. Nó thật sự ảnh hưởng sâu sắc đến ông ấy. Bạn có thể nhận thấy điều này trong tổng thể con người Jobs: sự thẳng thắn, bình dị, khiếu thẩm mỹ tinh tế, đơn giản và sự tập trung cao độ. Jobs cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nhận định rằng cơ sở của Phật giáo là trực giác. Jobs sau này nói với tôi: “Tôi bắt đầu nhận ra rằng sự nhận thức tự nhiên bằng trực giác quan trọng hơn những thống kê logic trừu tượng, phải vận dụng trí não của khoa học”. Tuy nhiên, cảm xúc quá mãnh liệt khiến Jobs khó đạt được sự tĩnh tâm; những nhận thức có được từ Thiền của ông không đi kèm với việc tăng khả năng giữ bình tĩnh, đầu óc thanh thản hay sự nhẹ nhàng giữa người với người”.
Trong chương 40 sau buổi thuyết trình ra mắt Ipad 2, tác giả có nhắc đến “Tự truyện của một Yogi”, đây là ebook duy nhất trong Ipad của Steve Jobs .
Ngày hôm sau ở nhà, ông vẫn rất hứng khởi. Ông đang lên kế hoạch sẽ bay một mình đến Làng Kona ở Hawaii, tôi bèn đề nghị được xem ông đã cho những gì vào chiếc iPad 2 của ông để chuẩn bị cho chuyến đi. Trong đó có ba bộ phim: Chinatown, The Bourne Ultimatum và Toy Story 3. Ngoài ra, chỉ có một cuốn sách mà ông đã tải xuống: The Autography of a Yogi, cuốn hướng dẫn thiền định và duy linh mà ông đã đọc lần đầu hồi thiếu niên, sau đó đọc lại ở Ấn Độ và từ đó trở đi đã đọc mỗi năm một lần.
Có thể thấy “Tự truyện của một Yogi” là tác phẩm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Steve Jobs. Phần lớn các sản phẩm sáng tạo của ông đều lấy việc thể hiện tư tưởng “Thiền” làm trọng tâm trong thiết kế.
Thông điệp của Steve Jobs về Trực giác, giác quan bị lãng quên của nhân loại
Cũng trong tác phẩm: “Steve Jobs: The Exclusive Biography” của Walter Isaacson’s. Việc Jobs rèn luyện và sử dụng trực giác trong cuộc sống và công việc được nhắc đến nhiều lần:
Niềm đam mê thế giới tâm linh phương Đông, đạo Hindu, Thiền Phật giáo hay sự tìm kiếm con đường đến với giác ngộ của Jobs không đơn thuần chỉ dừng lại ở những bồng bột thoáng qua của một thanh niên mười chín tuổi. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã tìm kiếm và theo đuổi rất nhiều giới luật cơ bản trong văn hóa phương Đông như sự nhấn mạnh vào Bát nhã , trí tuệ và sự hiểu biết có được bằng trực giác khi tập trung suy nghĩ. Nhiều năm sau, trong ngôi vườn nhà ông ở Palo Alto, Jobs đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về những ảnh hưởng lâu dài của chuyến đi tới Ấn Độ tới ông: Việc quay trở lại Mỹ là một cú sốc văn hóa với tôi, hơn cả khi tôi đến Ấn Độ. Những người dân sống ở nông thôn Ấn Độ không sử dụng lý trí của họ như chúng ta vẫn làm, mà thay vào đó họ sử dụng trực giác. Và trực giác của họ, thì khỏi phải nói, phát triển hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới. Với tôi, trực giác là một thứ gì đó đầy quyền uy, có sức mạnh lớn hơn cả trí tuệ. Nó là yếu tố có tác động lớn tới công việc của tôi.
Quay trở lại sau bảy tháng rong ruổi khắp các ngôi làng của Ấn Độ, tôi nhìn thấy sự điên khùng trong thế giới của người phương Tây cũng như khả năng chứa chất những ý nghĩ lý trí của họ. Nếu bạn ngồi và quan sát, bạn sẽ thấy cách thức mà bộ não của chúng ta hoạt động không ngừng nghỉ. Nếu chúng ta cố gắng kìm chế, nó chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn; nhưng qua thời gian, não bộ của chúng ta sẽ quen với những tình huống đó và trở nên điềm tĩnh hơn. Bạn có thể nghe thấy sự chuyển động của những sự vật nhỏ nhất, những âm thanh khẽ khàng nhất, và đó chính là lúc trực giác của bạn bắt đầu thức giấc. Bộ não dần dần suy nghĩ chậm lại và bạn có thể thấy thời gian như được kéo dài hơn trong cùng một khoảnh khắc và bạn có thể nhìn thấy nhiều sự việc hơn so với trước đây. Đó là một kỷ luật, bạn phải luyện tập nó.
Đây chính là tác dụng chính của thiền cũng như Kriya Yoga: phát triển trực giác tồn tại bên trong chúng ta.
Trực giác chỉ có thể phát triển khi tâm trí tĩnh lặng, để tâm trí tĩnh lặng cách nhanh nhất chính là thiền và Kriya Yoga chính là con đường của Thiền định (có nhiều con đường tu tập Yoga khác nhau). Đây chính là thứ mà Steve Jobs tìm kiếm và nhận ra trong quá trình tìm hiểu về tâm linh.
Trực giác nhạy bén giúp chúng ta hiểu nhanh, học nhanh vấn đề, biết được chúng ta nên làm gì, không bị cảm xúc chi phối, luôn sáng suốt và điềm tĩnh…. đây chính là con đường để hóa giải khổ đau mà Phật giáo và các nền tảng tâm linh khác nhau nhắc đến.
Trực giác chả phải thần thông hay gì đó xa lạ, đây vốn là khả năng tồn tại trong mỗi người từ khi được sinh ra. Do không được dạy bảo và rèn luyện nên qua thời gian sống, với sự phát triển không kiểm soát của tâm trí, trực giác hoàn toàn bị lấn át và che mờ bởi những suy nghĩ liên miên bất tận.
—————————–
Tài liệu tham khảo:
Link bài viết về cuộc phỏng vấn Marc Benioff: https://goo.by/2TP73
Link youtube cuộc phỏng vấn Marc Benioff: https://www.youtube.com/watch?v=4rO_Vs4M29k
(Tại 1 phút 32 giây có nói về món quà cuối cùng của Steve Job tặng mọi người đến dự lễ tang của mình, một chiếc hộp màu nâu có chứa quyển sách “Tự truyện của một Yogi”.)