THIỀN QUÁN DU GIÀ – PHÁP HÀNH CỦA MẬT GIÁO

Chia sẻ

Đại Thành Tựu Giả Milarepa

I. Sơ lược về Mật Tông Tây Tạng

Mật giáo Tây Tạng cống hiến hai con Đường, hay hai loại Yoga, cả hai đều đưa đến cùng một mục đích. Một được gọi là Con Đường Giải Thoát, hay “Yoga Tâm,” và một là Con Đường Thiện Xảo hay là “Yoga Năng Lượng”.

1. Con Đường Giải Thoát hay “Yoga Tâm”: có sự tương đồng với thiền tông, nhấn mạnh sự quán sát và tu dưỡng Tâm Bản Nhiên – còn được gọi là pháp tu Đại Thủ Ấn.

2. Con Đường Thiện Xảo hay là “Yoga Năng Lượng”: Là một loạt những phương pháp tu tập Yoga kịch liệt và phức tạp được biết như là Yoga Phát SinhYoga Hoàn Thiện. (Sáu pháp Du Già-Yoga của Naropa thuộc về nhóm này gồm: Yoga Nội Nhiệt và Yoga Thân Huyễn, Yoga Giấc Mộng, Yoga Ánh Sáng, Yoga Cõi Trung Ấm, và Yoga Chuyển Di).

II. Đại Thủ Ấn (ĐỂ TÂM BÌNH THƯỜNG VÀ QUAY VỀ Sự Rỗng Lặng Tịch Chiếu)

Bản thân tôi thời gian tu tập không nhiều và chỉ hành một pháp thiền duy nhất là Thiền Quán Du Già (đây là một pháp hành của Đại Thủ Ấn) và đã đạt được những thành tựu và hạnh phúc trong cuộc sống. Thực tế quá trình tu tập và thành tựu thực chứng sẽ được trình bày ở phần III. Sau đây tôi sẽ trình bày nội dung của pháp tu này.

1. Sơ lược về pháp tu Đại Thủ Ấn

Khởi đầu của pháp tu này chúng ta cần phải được khai thị để nhận ra Sự Rỗng Lặng Tịch Chiếu của chân tâm. Ai có thể trụ tâm trong Sự Rỗng Lặng Tịch Chiếu này thì làm bất cứ điều gì đều thành công.

Để tu tập Đại Thủ Ấn thì tốt nhất chúng ta cần kết hợp luân phiên bằng việc thiền địnhquay trở về trụ trong Sự Rỗng Lặng Tịch Chiếu (hay còn gọi là Tỉnh thức Đại Thủ Ấn) trong sinh hoạt hằng ngày.

Để trụ được tại đây thì cốt yếu nhất chỉ là bỏ phân biệtchấp. Luyện tập tính hy sinh, nhẫn nhục, siêng năng sẽ dần loại bỏ được 2 thứ trên.

Một điều cực kỳ quan trọng là khi hành Đại Thủ Ấn tức là bạn đã thành tựu Đại Thủ Ấn, không cần cố gắng nỗ lực để đạt được gì cả. Vậy nên việc tu tập Đại Thủ Ấn như một thói quen chúng ta phải duy trì cả đời. Giống như chúng ta đang xem phim và chợt nhớ mình là người xem phim, nên nếu không nhớ mà nhập tâm hoàn toàn vào bộ phim thì sẽ quên mất mình là ai.

2. Thiền Quán Du Già

Ở đây trong mục này tôi giới thiệu pháp Thiền Quán Du Già của Đại Thành tựu giả Milarepa.

Pháp thiền gồm có 3 phần.

– Điều thân.

– Điều tức (hơi thở).

– Điều tâm.

Chúng ta có thể kết hợp cả 3 phần trên hoặc tập từng phần riêng rẽ.

– Điều thân: Khởi đầu bằng việc luyện tập tư thế Kiết Già (đây là thế tốt nhất, nếu bạn có bệnh hoặc lớn tuổi không thể tập thì chuyển sang bán già cũng được), lưng thẳng, cơ thể thả lỏng, thoải mái, mắt mở nhìn thẳng vào chủng tự OM (nếu không có thì kiếm một vật gì đó mang tính thiêng liêng cũng được). Sau khi thành thục sẽ kết hợp quán tưởng cơ thể vững như ngọn núi không thể chuyển dời.

– Điều tức: Sau khi điều thân ổn định một thời gian chúng ta có thể kết hợp điều tức. Ở đây có muôn vạn cách khác nhau nhưng cơ bản nhất là luyện 1 vòng của hơi thở bằng việc hít vào, giữ hơi, thở ra trong cùng một khoảng thời gian tùy theo căn cơ (lưu ý: hơi thở phải tự nhiên, không gây áp lực cho phổi, dần dần hơi thở sẽ tự nhiên dần dần sâu và dài). Mục đích tối hậu là có hơi thở sâu, dài. Bởi vì hơi thở là nội lực của chính chúng ta. Nếu không điều tức tốt thì sau này khi muốn tu tập Kriya Yoga sẽ rất khó khăn.

– Điều tâm: Khi hơi thở và thân thể ổn định lúc này chúng ta sẽ điều tâm. Tương tự như tu tập Đại Thủ Ấn đã nói ở trên. Chỉ cần nhớ ra luôn luôn và đặt tâm mình trong Sự Rỗng Lặng Tịch Chiếu. Khởi đầu sẽ tập trung tâm trí vào hơi thở, lúc này tâm trí sẽ quay ngược về bên trong và gặp vọng tưởng. Để tâm luôn an định ta cần phải luôn luôn kết hợp tâm trí với hơi thở, lâu dần thì các vọng tưởng sẽ từ từ dãn ra và biến mất.

Trên đây là toàn bộ nội dung của pháp Thiền Quán Du Già mà tôi tu tập trong thời gian qua (khoảng 8 tháng liên tục – tính đến khi viết bài này vào T01/2022). Nội dung rất đơn giản và không có gì huyền bí hay yêu cầu căn cơ gì cả. Tất cả mọi người đều có thể tu tập được pháp môn này.

III. Hành trình thực tế tu tập và thành tựu thực chứng.

1. Hành trình thực tế tu tập

Tôi nhận được pháp Thiền Quán Du Già khi tìm hiểu về Kriya Yoga. Thực chất pháp môn này không có liên quan gì đến Kriya Yoga, tuy nhiên nó cho chúng ta một khởi đầu an toàn và tạo sự thuận lợi trong quá trình tu tập Kriya Yoga. Bởi qua sự tu tập này chúng ta làm chủ được mình (Thân, Tâm, Trí). Một điều đơn giản là khi tu tập pháp môn này thì bạn đã (kiến tánh) nhận ra được chính mình rồi nên chỉ cần như vậy không cần làm gì thêm cả. Việc tu tập Kriya Yoga đơn giản là mở rộng tiềm năng của thân thể vi tế này cho chúng ta diệu dụng tùy theo mục đích của mình, đồng thời làm cho chúng ta nhớ chúng ta là ai và không quên nữa. Vậy nên đừng chú trọng thần thông hay những khả năng tâm linh, tâm không vững thì những thứ này chỉ mang lại thêm rắc rối cho bạn thôi. Thực tế những người có khả năng ngoại cảm thiên phú gặp nhiều khó khăn trên con đường tu tập hơn những người không có tài năng gì đặc biệt.

Vài chuyện vui buồn cùng những ngày tháng tu tập của bản thân:

Những ngày đầu điều thân đúng là cực hình, mỗi lần vào thế kiết già là những lần đau đớn nhói lòng. Sau khi bắt chéo chân tôi thường tự nói: “má ơi, sao trên clip thấy mấy người kéo cái chân như tréo cẳng gà đơn giản quá vậy, mấy người đó có phải con người không vậy?”. Sau đó tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ và đồng cảm với những người ngồi kiết già, chắc đây là động lực để tôi có thể kiên trì vượt qua được những ngày tháng khó khăn đó.

Kèm theo đó là sự mệt mỏi vì quyết tâm dậy sớm tu tập, cứ đến giờ chuông reo là y như rằng có tiếng nói nhẹ nhàng bên tai “hôm nay ngủ thêm chút nữa”, vài lần lắng nghe chính mình đã cho tôi nhớ ra rằng Thượng Đế rất sung sướng khi được ngủ tiếp khi đồng hồ reo.

Dậy sớm được rồi phải lui cui kiếm chỗ yên tĩnh để tu tập, thời gian này là lúc tôi mới bắt đầu hiểu được mình nên mọi người xung quanh thường thấy tôi lạ lùng và khó hiểu vì thay đổi rất nhiều, kiếm được một chỗ yên ổn thật là khó. Vị trí ưa thích của tôi là những tảng đá ngoài suối, đối với tôi các tảng đá hành thiền giờ rất nhiều kỷ niệm.

Rồi những lần đang thiền thì trời mưa, muỗi cắn, ong cắn, kiến cắn, lội suối bị té, trời tối quá sợ ma, thiền nhập tâm quá sợ lạc vô cõi giới khác…. những chuyện rất tào lao bí đao nhưng giờ nhớ lại tôi thấy nó thật đẹp, chính những lần vượt qua bản thân này đã hình thành nội lực bên trong, mỗi khó khăn được vượt qua là một lần định lực tăng lên (sau này hiểu về nghiệp lực tôi mới thấy đây cũng là quá trình tịnh hóa nghiệp).

Đến giờ nhìn lại tôi vẫn không thể tin là mình đã kiên trì được một thời gian dài như vậy. Trước đây  tôi là một người rất thiếu sự kiên trì, dễ mất động lực và bỏ cuộc, rất nhiều lần trong quá khứ tôi đã biết nguyên nhân thất bại của bản thân chỉ vì thiếu sự kiên trì. Nhưng đến với tâm linh tôi như cá được trở về với nước, được là chính mình, nó mở ra một thực tại mới khi tôi đang buồn chán với cuộc sống nên cũng dễ hiểu được vì sao tôi đã kiên trì đến vậy. Nên nếu một đứa ngu ngơ như tôi có thể tu tập được thì chắc ai cũng có thể tu tập.

2. Kết quả thực chứng khi hành Thiền Quán Du Già

– Đầu tiên đến ngay sau một thời gian ngắn đó là: trong tôi có một sự bình an ổn định, khác xa so với nội tâm hỗn loạn trước đây của mình. Tôi có được khả năng tự nhìn nhận và thấu hiểu bản thân mình – trải qua thời gian tu tập tôi vẫn thấy đây là kỹ năng cơ bản và là quan trọng nhất trên đường tu tập

– Một ngày không đẹp trời lắm khi đang nằm đu đưa trên võng tôi chợt nhận ra rằng khi nhìn một vật có 2 trạng thái: 1 trạng thái “cái tôi” bay ra và nhập vào vật ấy làm cho tôi nhìn thấy vật đó rõ ràng, màu sắc đẹp đẽ và 1 trang thái còn lại là “cái tôi” ở lại trong tôi và tôi nhìn thấy vật ấy nhưng nó không có gì cả. Sau này tôi đọc thêm về Tánh Không và đã hiểu được việc duyên theo cảnh là như thế nào.

– Thời gian đầu tôi không thể dừng được suy nghĩ và nghĩ chắc chỉ là truyền thuyết đối với mình, tuy nhiên vào một ngày đẹp trời tự dưng khi tâm trở về với tự tánh tôi soi chiếu liên tục bên trong thì suy nghĩ và niệm khởi biến mất hoàn toàn – tất nhiên chỉ trì được cao nhất đối với tôi là 10 phút.

– Hiện tại tôi đã có thể Kiết Già được khoảng 40-50 phút, so ra với mọi người thì nó rất bình thường nhưng khá vui vì giờ tôi có thể kéo chân như tréo cẳng gà.

– Hành lâu pháp thiền này thì sinh hoạt hàng ngày có thể thực hành thiền rất thuận lợi (vì mắt mình khi thiền nó mở sẵn rồi), có đôi lúc tôi nhớ ra được mình ngay trong lúc giao tiếp với mọi người (việc này đối với tôi rất khó vì khi giao tiếp với người khác rất dễ duyên vào cuộc nói chuyện và quên mất bản tâm mình) và làm việc hàng ngày.

– Đạt được những thành tựu trong công việc mà trước giờ mình chưa bao giờ đạt được. Thú thật trước đây tôi rất chán ghét công việc của chính mình, đối với tôi nó như địa ngục vậy. Đặc biệt là khi bước vào tìm hiểu về tâm linh tôi đã từng hạ quyết tâm phải rời bỏ nó, lúc đó thật hạnh phúc vì đây là điều tôi chờ đợi rất lâu tuy nhiên mọi việc không như ý. Vượt qua những ngày tháng đau khổ vì không thể rời bỏ công việc và theo lý tưởng của mình, tôi dần chuyển hóa bản thân và bây giờ đối với tôi công việc là công việc, việc gì cũng như nhau nên tôi làm nó như việc phải làm.

– Thực hành một số pháp khác rất dễ dàng, ví dụ như: nhịn ăn thanh lọc cơ thể; lau nhà, quét nhà hàng ngày; làm việc theo ý mình (tức là sự trì hoãn, sợ sệt các cảm xúc trong công việc và cuộc sống hầu như rất ít ảnh hưởng đến tôi); ăn ngon ngủ kỹ – không lo nghĩ nhiều vì tôi biết mọi thứ đều sẽ tốt đẹp (ngay cả khi vừa cãi nhau, trải qua một số tình huống trước đây tôi coi là tuyệt vọng)……

– Tôi thường diệu dụng việc tu Đại Thủ Ấn trong cuộc sống thường ngày bằng cách tạo ra thuận cảnh và nghịch cảnh. Ví dụ: một số người thân xích mích, hiểu lầm nhau tôi phải tạo ra nghịch cảnh cãi nhau để xả bỏ cảm xúc tiêu cực và thấu hiểu nhau hơn; xem phim hoặc giải trí song song với hành  Đại Thủ Ấn – Cái này đối với tôi khá là khó nhai, lúc đầu thì lên kế hoạch khá hay nhưng vô rồi thì rất dễ nhập luôn.

– Tách rời điện thoại, Facebook….. Nó không xấu nếu biết sử dụng tuy nhiên sơ xẩy một phát là đi ngay một buổi nếu không kiểm soát được chính mình.

– Nhận diện được những thứ gì bất thường khi nó đến bên trong mình, bất kỳ việc gì gây ra cảm xúc tiêu cực hay không thoải mái cho bản thân đều kéo tôi vào bên trong và nhận ra nó khi nó mới chớm nở. Việc nhận ra khi nó mới nhú khá quan trọng vì mình tự chủ không tiếp thêm năng lượng cho nó bằng suy nghĩ. Đôi lúc suy ngẫm tôi nhận thấy bình an chính là hành phúc, chính là giác ngộ. Đã bình an thì dù ở địa ngục hay là thượng thiên, giác ngộ hay không thì cũng như nhau có gì khác đâu.

Trên đây là một số tâm sự của tôi trên con đường tu tập, hiện giờ tôi vẫn đang tiếp tục đọc các giáo lý và tu tập các pháp hành cơ bản trong First Kriya từ tổ chức SRF (được sáng lập bởi Yoganandaji). Trong thời gian tới khi hành các pháp mới, có nhiều kinh nghiệm tôi sẽ viết thêm các bài chia sẻ cho các bạn. Điều quan trọng nhất mà tôi nhận được có lẽ là sự tinh tấn mỗi ngày của bản thân mình trên con đường tu tập. Tôi chia sẻ những kinh nghiệm ở trên để bạn biết rằng một người quá đỗi bình phàm và đơn giản như tôi vẫn có thể tu tập tinh tấn được thì bạn cũng có thể làm được. Chúc bạn cũng như tôi luôn nhận ra được chính mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này.

Công Tôn Tuấn


Chia sẻ