Yoga: Con đường đạt đến sự Phúc Lạc thông qua Thiền Định

Chia sẻ

Trọng tâm của Yoga là gì?

“Hợp nhất linh hồn với Tinh thần là Yoga – đoàn tụ với Chân phúc mà mọi người đang tìm kiếm. Đây không phải là một định nghĩa tuyệt vời sao? Trong trang thái Phúc lạc của Linh hồn (the ever new Bliss of Spirit), bạn biết chắc rằng niềm vui mà bạn đang cảm nhận diệu kỳ hơn bất kỳ hạnh phúc nào khác, và không còn gì có thể khiến bạn thất vọng”. – Paramahansa Yogananda 

Thiền luôn là trọng tâm trong triết lý Yoga Ấn Độ từ thời cổ đại. Mục đích của thiền có thể được tìm thấy trong nghĩa đen của từ yoga: “hợp nhất” — của ý thức hoặc linh hồn cá nhân với Chân phúc vĩnh cửu, vô hạn, hay còn được gọi là Tinh thần.

Để đạt được sự hợp nhất này với Tinh thần và giải phóng chúng ta khỏi mọi hình thức đau khổ – đòi hỏi sự kiên nhẫn thực hành thiền định bằng cách tuân theo một quy trình có hệ thống và được chứng thực qua thời gian. Nghĩa là chúng ta cần áp dụng một cách khoa học.

Raja Yoga (Yoga “hoàng gia”) là môn khoa học hoàn chỉnh về sự chứng ngộ về Chúa — các phương pháp thiền định từng bước và hành động đúng đắn được quy định trong kinh điển yoga, đã được lưu truyền trong nhiều thiên niên kỷ và là phương pháp thực hành thiết yếu trong India’s Sanatana Dharma. (“Eternal Religion”) (Đây là một Pháp môn của Ấn Độ). Chính khoa học phổ quát và vượt thời gian về yoga này làm nền tảng cho những giáo lý bí truyền, trọng tâm của tất cả các tôn giáo chân chính.

Giáo lý Raja Yoga về việc tự nhận thức bản thân phác thảo một phong cách sống dẫn đến sự phát triển hoàn hảo của cả cơ thể, tâm trí và linh hồn, dựa trên nền tảng là Kriya Yoga: gồm những kỹ thuật pranayama (kiểm soát sinh lực) được Bhagavan đề cập (nhưng không giải thích), bởi Krishna (một vị thần của Ấn Độ) trong Bhagavad Gita và nhà hiền triết Patanjali trong Yoga Sutras của ông. Bị thất truyền trong nhiều thế kỷ, Kriya Yoga đã được hồi sinh bởi một dòng các bậc thầy yoga nổi tiếng: Mahavatar Babaji, Lahiri Mahasaya, Swami Sri Yukteswar và Paramahansa Yogananda.

Paramahansa Yogananda đã được chọn bởi các vị Guru đáng kính để mang khoa học về Kriya Yoga đến phương Tây và hoằng bá nó trên toàn thế giới  và chính vì mục đích này mà ông đã thành lập Hội Tự Giác (Self-Realization Fellowship) vào năm 1920.

Trọng tâm của con đường Kriya Yoga là việc thực hành hàng ngày các kỹ thuật thiền định khoa học được giảng dạy bởi Paramahansa Yogananda trong các Bài học của Hội Tự Giác. Bằng cách thực hành thiền định, chúng ta học được cách làm cho cơ thể và tâm trí tĩnh lặng, từ đó có thể trải nghiệm an lạc lâu dài, tình yêu, trí tuệ và niềm vui như chính bản chất của chúng ta — bất kể điều gì đang xảy ra trong thế giới xung quanh chúng ta.

“Hãy thiền nhiều hơn. Bạn không biết nó tuyệt vời như thế nào. Thiền định tuyệt vời hơn nhiều so với việc dành hàng giờ để tìm kiếm tiền bạc, tình người hay bất cứ thứ gì khác mà bạn có thể nghĩ ra. Bạn càng thiền định nhiều, tâm trí của bạn càng tập trung vào trạng thái tâm linh trong quá trình hoạt động, bạn càng mỉm cười nhiều hơn. Ta luôn ở trong trạng thái đó ngay lúc này, trong tâm thức được ban phúc lành của Chúa. Không gì có thể ảnh hưởng đến ta; Cho dù ta ở một mình hay với mọi người, Chân phúc của Chúa luôn ở đó. Ta đã giữ lại được nụ cười của mình – nhưng để giành được nó vĩnh viễn là một công việc khó khăn! Những thứ tương tự cũng có trong bạn; cùng một niềm vui và Chân phúc của tâm hồn ở đó. Bạn không cần phải tranh đấu để có được chúng, thay vì vậy hãy lấy lại chúng” – Paramahansa Yogananda

Bạn là người thực hành và tự “Nhận ra”

“Tất cả những kinh nghiệm ta đã nói với con đều có thể đạt được về mặt khoa học. Nếu con tuân theo các quy luật tâm linh, kết quả đạt được là điều chắc chắn.” – Paramahansa Yogananda

Giống như một nhà khoa học có thể đi vào phòng thí nghiệm để kiểm chứng kết quả của một thí nghiệm nhất định, hành giả cũng có thể đi vào “phòng thí nghiệm” của thiền định để đạt được kết quả tương tự, chuyện này đã được chứng minh bởi những Rishis (vị thầy giác ngộ) của Ấn Độ và những người tìm kiếm sự thật (của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bất kỳ thời kỳ nào), những người đã tìm ra chân lý (heart of Reality).

Khoa học không yêu cầu chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì như niềm tin hay giáo điều mù quáng. Bằng cách sử dụng các phương pháp thiền định nhất định mà kết quả của chúng đã được các nhà khoa học yogi (yogi-scientists) chứng minh và nhân rộng qua vô số thế kỷ, chúng ta có thể chứng minh hiệu quả của chúng đối với bản thân — và dần dần vượt qua ý nghĩ sai lầm đã bám rễ dai dẳng, rằng chúng ta là những cơ thể phàm trần. Sau đó, chúng ta có thể khám phá ra sự thật – rằng với tư cách là Bản thể, Linh hồn, chúng ta không bị tác động bởi những nhị nguyên và những thử thách của thế giới; chúng ta đã và luôn luôn là Một với Hạnh phúc Bất tận (Blissful Infinite). Sự hiểu biết sâu sắc như vậy cuối cùng sẽ đến với những ai thực hành các phương pháp thiền định đúng đắn dưới sự hướng dẫn của một vị guru chân chính – người đã ý thức hoàn toàn sự đồng nhất của mình với Tinh thần.

Trong thời đại khoa học này, khi các cuộc khám phá từ những thứ to lớn nhất đến những hạt nhỏ nhất của vũ trụ vật chất đang được tiến hành, thì cần có một cách tiếp cận khoa học và táo bạo tương đương để hiểu được lĩnh vực tâm linh. Chúng ta cần nghiêm túc trong các cuộc kiểm chứng tâm linh của mình, thay vì chỉ đơn thuần thảo luận về niềm tin tôn giáo để đạt được sự hài lòng khi biết được Chân lý bằng kinh nghiệm trực tiếp. Và sự thật tương tự này có thể được kiểm chứng bởi bất kỳ ai sẵn sàng tuân theo các quy trình và kỷ luật có hệ thống để mang lại kiến thức như vậy. 

Là một nhà khoa học tâm linh, người yogi (hành giả) thực hành các kỹ thuật thiền định để chắt lọc sự an nhiên hiện hữu, tình yêu, trí tuệ và niềm vui khi hiệp thông với thần thánh trong ý thức của mình — phòng thí nghiệm duy nhất nơi bản chất vĩnh cửu của Linh hồn và Tinh thần có thể được trải nghiệm một cách hoàn toàn rõ ràng với độ chính xác và sự hoàn hảo đáng kinh ngạc.

Với Thiền định trong yoga, thiền giả rút sinh lực (prana) khỏi các dây thần kinh cảm giác và vận động – bằng một quá trình được gọi là pranayama (kiểm soát sinh lực) – và hướng nó đến các trung tâm nhận thức cao hơn bên trong cột sống và não bộ. Quá trình này tự động rút nhận thức từ thế giới bên ngoài vào cảnh giới vô tận bên trong. Khác xa với quá trình suy nghĩ mơ hồ hay suy ngẫm triết học, thiền pranayama là một cách thức đã được thời gian chứng minh rằng có thể mở ra tiềm năng vô hạn của linh hồn.

“Các nhà khoa học không tạo ra sự khám phá chỉ bằng lời cầu nguyện, mà bằng cách áp dụng các quy luật tự nhiên. Tương tự như vậy, Đấng Sáng Tạo  sẽ đến với người nào tuân theo các quy luật, những người áp dụng khoa học thiền định. Con người đã lang thang trong khu rừng thần học và đánh mất chính mình. Tôi đã đi hết đền thờ này đến đền thờ khác để tìm kiếm Đức Chúa Trời; nhưng khi tôi tìm thấy những đền thờ linh hồn trong những người yêu mến Chúa vĩ đại, tôi thấy rằng Ngài đang ở đó. Ngài không bị mua chuộc bởi những dinh thự xinh đẹp. Ngài đến với bàn thờ đẫm nước mắt của trái tim đang liên tục kêu cầu Ngài . Thần thánh là có thật. Những vị thầy tận tụy với thiền định từ năm này qua năm khác đã tìm thấy Ngài.” – Yoganandaji

Chân phúc là động lực của chúng ta

Lựa chọn trải nghiệm để tìm kiếm niềm vui đích thực (true joy), thứ mà chúng ta mong ước tìm thấy thông qua quá trình đeo  nhiều mục tiêu khác nhau.

“Bằng tất cả sự tìm kiếm của bạn giữa những thứ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, bạn đang tìm kiếm hạnh phúc thông qua việc thực hiện những khao khát của mình… .Vậy tại sao không trực tiếp tìm kiếm niềm vui?”

Paramahansa Yogananda

Trong bài giảng đầu tiên của mình ở Mỹ, và trong cuốn sách Khoa học Tôn giáo (The Science of Religion), Thầy Yogananda đã giới thiệu cho người phương Tây khái niệm Vệ Đà cổ đại về Thượng đế là Sat-Chit-Ananda — Chân phúc (hay Cực lạc) luôn tồn tại, luôn ý thức, luôn mới mẻ. 

Ẩn sau những nỗ lực của chúng ta để hoàn thành tất cả những điều mà chúng ta mong muốn, liệu có một khao khát cơ bản nào hơn là bản thân được hạnh phúc, cũng như là thoát khỏi khổ đau? Paramahansaji mời gọi những người tham dự các buổi nói chuyện công khai của thầy và những người sau này trở thành đệ tử tu học theo giáo lý Kriya Yoga nhằm trực tiếp chứng nghiệm hạnh phúc — bằng cách sử dụng phương pháp thiền yoga khoa học để tìm kiếm chân phúc của Tinh thần nằm sâu bên trong bản thân họ.

Khi nói về cơ hội chứng nghiệm Chúa là Chân phúc (God as Bliss) trong thiền định, Paramahansaji nói: “Ngài đến trong trải nghiệm tĩnh lặng của tất cả mọi người. Chính trong tâm thức Cực lạc mà chúng ta nhận ra Ngài. Không thể có bằng chứng trực tiếp nào thuyết phục hơn về sự hiện hữu của Ngài. Chính nơi Ngài là Chân phúc, thứ mà những hy vọng và khát vọng tinh thần của chúng ta được thỏa mãn, lòng tận tụy và tình yêu của chúng ta tìm thấy một mục đích.”

“Niềm vui luôn thay đổi nhịp nhàng lên xuống nhưng bản chất nó vẫn không thay đổi, giống như một diễn viên vui đùa với các vai diễn và biểu hiện khác nhau, đây chính là điều mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Niềm vui như vậy chỉ có thể được tìm thấy thông qua thiền định thường xuyên và sâu sắc. Chỉ có suối nguồn bên trong của niềm vui trường hằng mới có thể làm dịu cơn khát của chúng ta. Tự bản chất của nó, Chân phúc thiêng liêng này là thứ mê hoặc duy nhất không bao giờ có thể làm mệt mỏi tâm trí hoặc khiến chúng ta muốn đổi nó lấy một thứ khác.” – Paramahansa Yogananda

Tính phổ quát của Yoga (Yoga’s Universality)

Ngài Chidananda, Chủ tịch và là người thủ lĩnh tinh thần của SRF (Hội Tự Giác) cho biết khi phát biểu tại Ấn Độ vào năm 2017: “Ấn Độ trong hàng thiên niên kỷ đã là nơi bảo tồn chân lý tâm linh cao nhất cho toàn thể nhân loại. Đây chính là khoảng thời gian đặc biệt của Paramahansaji, thầy đã mang những gì tốt nhất của Ấn Độ đầu tiên là đến phương Tây và sau đó là thế giới, sau đó quay trở về với Ấn Độ yêu quý của Thầy. Thầy đã mang trở lại thứ đã tồn tại trong thời kỳ vàng son của nền văn minh Ấn Độ, thứ mang bản chất của tâm linh phổ quát của Ấn Độ ở dạng thuần túy của nó. Đó là Yoga. Đó là một phương pháp khoa học, không phải là một giáo phái hay một nhánh của tôn giáo; và do đó, khoảng thời gian của Tinh thần này – ánh sáng soi rọi của yoga – có thể là một phước lành tinh thần thực sự trên toàn thế giới đối với toàn nhân loại.”

Thầy Yogananda thường chỉ ra rằng một người thuộc bất kỳ quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo nào đều có thể thực hành yoga và nhận được những lợi ích tuyệt vời của nó. Tính phổ quát thực sự của nó với tư cách là một phương pháp khoa học nằm ở thực tế là: kết quả của nó có thể đạt được bởi bất kỳ ai thuộc bất kỳ quốc gia nào, dù là phương Đông hay phương Tây.

Thông qua thực hành thiền định yoga đều đặn, tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm cảm giác sâu sắc hơn về niềm vui, tình yêu, lòng trắc ẩn và hòa bình. Và khi những thay đổi này xảy ra trong chính chúng ta, ảnh hưởng của chúng cũng lan rộng ra bên ngoài, theo một quy luật vô hình, trước tiên là tác động đến gia đình và cộng đồng trực tiếp của chúng ta và sau đó là ra thế giới nói chung. Như Paramahansaji đã nói, “Hãy thay đổi chính mình rồi thì bạn sẽ thay đổi hàng nghìn người khác.”

Một lợi ích tuyệt vời của Yoga là cảm giác hòa nhập với tất cả nhân loại, được phát triển thông qua thiền định. Bất kể niềm tin tâm linh của một người là gì, hoặc kể cả là không có niềm tin đó, bất cứ ai thực hành khoa học về yoga cuối cùng sẽ nhận ra rằng sự Thánh thiêng hiện diện trong mọi thứ — và trong tất cả mọi người.

Những trái tim và khối óc được thấm nhuần tính phổ quát như vậy thực sự rất cần thiết trong thời đại chúng ta, khi thế giới của chúng ta bị thu hẹp theo cấp số nhân do kết quả của những tiến bộ công nghệ, đặt tất cả chúng ta vào những không gian chật hẹp. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1951, Paramahansaji được yêu cầu tóm tắt thông điệp của mình với thế giới. Thầy nói về nhu cầu cơ bản để nhân loại nhận ra sự thống nhất thực sự — những lời tiên đoán này vẫn rất quan trọng cho đến ngày nay, hoặc thậm chí còn hơn thế nữa, so với lần đầu tiên thầy nói:

“Hỡi anh chị em của tôi trên thế giới: Xin hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta và Ngài là Nhất thể. Tất cả chúng ta đều là con cái của Ngài, và như vậy, chúng ta nên áp dụng các phương tiện mang tính xây dựng để giúp nhau trở thành những công dân lý tưởng về thể chất, tinh thần, tài chính và tâm hồn của một Hợp chủng quốc Thế giới (United States of the World). Nếu trong một cộng đồng có một nghìn người, mỗi người cố gắng bằng cách trói chặt, đấu tranh và tranh giành quyền lợi để làm giàu cho mình bằng công sức của người khác, thì mỗi người sẽ có chín trăm chín mươi chín kẻ thù; ngược lại, nếu mỗi người hợp tác với những người khác — về thể chất, tinh thần, tài chính và tâm hồn — thì mỗi người sẽ có chín trăm chín mươi chín người bạn. Nếu tất cả các quốc gia giúp đỡ lẫn nhau thông qua tình yêu thương, cả trái đất sẽ sống trong hòa bình với nhiều cơ hội để thúc đẩy hạnh phúc của tất cả chúng ….

Các phương tiện truyền thông như đài phát thanh và truyền hình và du lịch hàng không đã đưa tất cả chúng ta đến gần nhau hơn bao giờ hết. Chúng ta phải hiểu rằng không còn cái gọi là Châu Á cho người Châu Á, Châu Âu cho người Châu Âu, Mỹ cho người người Mỹ, v.v. mà đây là một Hợp chủng quốc Thế giới (United States of the World) dưới quyền năng của Chúa, trong đó mỗi con người có thể là một công dân lý tưởng toàn cầu với tất cả cơ hội để hoàn thiện về thể chất, tinh thần và tâm hồn.

Đó là thông điệp của tôi, lời cầu nguyện của tôi, với thế giới.”“Phương tiện để xây dựng” (constructive means) có tác động sâu sắc nhất để giúp mỗi người hỗ trợ nhau phát triển như những công dân thế giới lý tưởng về thể chất, tinh thần và tâm hồn có thể được tìm thấy trong khoa học phổ quát của yoga (the universal science of yoga).

Tám nhánh con đường Yoga hoàng gia của Patanjali

Trong bản dịch và bình luận của mình “God Talks With Arjuna: The Bhagavad Gita”, Paramahansa Yogananda đã tiết lộ rằng Gita, cuốn kinh được yêu thích nhất của Ấn Độ về yoga, đã thể hiện một câu chuyện ẩn dụ về toàn bộ khoa học yoga.

Nhà hiền triết Patanjali, người hiểu đầy đủ những ý nghĩa tóm lược trong Gita về triết lý yoga, đã xây dựng hệ thống của con đường Yoga Raja (Yoga “hoàng gia”) thành một hình thức đơn giản và có hệ thống trong tác phẩm ngắn gọn nhưng xúc tích của ngài, Yoga Sutras.

Paramahansa Yogananda tuyên bố rằng Patanjali “trình bày, trong một loạt các câu cách ngôn ngắn gọn, cô đọng bản chất khoa học cực kỳ rộng lớn và phức tạp về sự hợp nhất với Thượng đế — đề ra phương pháp hợp nhất Linh hồn với Tinh thần một cách đẹp đẽ, rõ ràng và súc tích mà các thế hệ học giả đã công nhận Yoga Sutras là tác phẩm cổ xưa quan trọng nhất về yoga.”

Hệ thống yoga của Patanjali được gọi là tám nhánh (the Eightfold Path), dẫn đến mục tiêu cuối cùng là chứng ngộ Thượng đế.

Tám nhánh của Yoga:

1. Yama (các quy tắc đạo đức qui định rõ các hành vi mà người ta nên kiêng kị): tấn công người khác, không trung thực, trộm cắp, không kiềm chế (thiếu kiểm soát xung động tình dục) và sự tham lam.

2. Niyama (phẩm chất tinh thần và hạnh kiểm cần được trau dồi): thân và tâm thanh tịnh, hài lòng trong mọi hoàn cảnh, tự kỷ luật, tự học (chiêm nghiệm), và sùng kính Thượng đế và guru.

3. Asana: tư thế đúng

4. Pranayama: kiểm soát prana, dòng sống vi tế trong cơ thể. 

5. Pratyahara: trải nghiệm ý thức, thông qua việc rút các giác quan khỏi các đối tượng bên ngoài.

6. Dharana: sự tập trung cao độ; giữ tâm trí vào một ý nghĩ hoặc một đối tượng.

7. Dhyana: thiền định, tiếp thu nhận thức rộng lớn về Chúa ở một trong những khía cạnh vô hạn của Ngài – Phúc lạc, Hòa bình, Ánh sáng vũ trụ, Âm thanh vũ trụ, Tình yêu, Trí tuệ, v.v. – lan tỏa khắp toàn thể vũ trụ.

8. Samadhi: kinh nghiệm siêu ý thức về sự kết hợp của linh hồn cá nhân hóa với Tinh thần vũ trụ. 

Thực hành cao nhất của pranayama (kiểm soát sinh lực, bước thứ tư của tám bước), liên quan đến việc sử dụng các kỹ thuật thiền khoa học của Raja Yoga, với mục tiêu sơ bộ là đạt được sự trải nghiệm ý thức (pratyahara) và mục tiêu cuối cùng của sự hợp nhất với Tinh Thần (samadhi).

Thông thường, sinh lực liên tục chảy ra ngoài thông qua hệ thần kinh và giác quan để chúng ta nhận thức thế giới xung quanh. Thông qua các kỹ thuật của pranayama mà nguồn sinh lực tương tự (prana) được hướng vào bên trong các trung tâm nhận thức tâm linh cao hơn trong cột sống và não bộ, để chúng ta có thể nhận thức được thế giới rộng lớn hơn bên trong.

Các kỹ thuật thiền định được SRF giảng dạy trong các bài học (Self-Realization Fellowship Lessons), đặc biệt là kỹ thuật Kriya Yoga, là các kỹ thuật Raja Yoga pranayama tốt nhất. Paramahansa Yogananda thường gọi chúng là con đường nhanh nhất để tái hợp Linh hồn với Chân phúc của Tinh thần.

Bằng cách thực hành pranayama, chúng ta giải phóng sự chú ý khỏi những phiền nhiễu của cuộc sống bằng các phương tiện trực tiếp — kiểm soát dòng chảy của năng lượng cơ thể, thứ mà nếu không kiểm soát sẽ giữ ý thức của chúng ta hướng ngoại. Từ đó, chúng ta vẫn có những suy nghĩ bồn chồn và những cảm xúc hỗn loạn ngăn cản sự nhận biết Con người thực của chúng ta, rằng chúng ta là Linh hồn bất tử không thể thay đổi, nguyên là một hợp nhất với Tinh thần.

Công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại

Công nghệ là một phần quan trọng trợ giúp chúng ta trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian hơn để kết nối với các thiết bị kỹ thuật số, chúng ta cảm thấy ngày càng mất kết nối với sự bình yên bên trong, sự đơn giản, hài hòa và cảm giác sợ hãi tự nhiên.

Nói một cách đơn giản, công nghệ chỉ là sử dụng khoa học kỹ thuật để đạt được mục đích mong muốn nhanh chóng hơn. Đúng ra, việc sử dụng công nghệ nên nâng cao khả năng của chúng ta trong việc đạt được hạnh phúc, an ninh và hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân trong mối quan hệ với thế giới mà chúng ta đang sống.

Công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại có thể được tìm thấy trong hệ thống Raja Yoga, trong việc sử dụng các kỹ thuật thiền yoga, đặc biệt là các kỹ thuật của Kriya Yoga.

Trong cuốn Tự truyện của một Yogi, trong chương “Khoa học của Kriya Yoga”, Paramahansaji nói: “Đề cập đến hiệu quả chắc chắn và có phương pháp của yoga, Krishna ca ngợi tính công nghệ của yogi (technological yogi) bằng những từ sau: “Yogi vĩ đại hơn các bậc khổ hạnh rèn luyện cơ thể, thậm chí còn vĩ đại hơn những người theo con đường trí tuệ (Jnana Yoga), hoặc con đường hành động (Karma Yoga), Yogi đó chính là người, Hỡi đệ tử Arjuna! “

“Tính công nghệ của yogi” – nghĩa là, người tìm kiếm chân lý sử dụng các kỹ thuật nhất định để đạt được mục tiêu của yoga – tuân theo một phương pháp chắc chắn, một phương pháp không làm cạn kiệt năng lượng và niềm vui trong cuộc sống, mà thay vào đó dẫn đến sự vô hạn, bổ sung và trẻ hóa cơ thể và tâm trí thông qua tiếp xúc với Bản thể bất tử hạnh phúc (the blissful immortal Self), hay linh hồn.

Giống như Arjuna, đệ tử của Thần Krishna trong Bhagavad Gita, chúng ta có thể đạt đến trạng thái cân bằng và tĩnh lặng bên trong. Bằng cách sử dụng công nghệ của Kriya Yoga mà chúng ta có được sự cân bằng và sáng suốt để biết được cách làm thế nào để sống trong thế giới phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ như ngày nay mà không làm mất đi cảm giác trọn vẹn và hạnh phúc tự nhiên của chúng ta.

Chìa khóa nằm ở chỗ, theo cách nói của Paramahansaji, “chủ động một cách điềm tĩnh và điềm tĩnh một cách chủ động” (calmly active and actively calm). Để chủ động một cách điềm tĩnh trong cuộc sống của mình (cả online và offline), trước tiên chúng ta nên trở nên “điềm tĩnh một cách chủ động” trong thiền định — và rồi sẽ giành được sự minh triết cần thiết để vượt qua những thử thách không thể đoán trước do tốc độ phát triển ngày càng nhanh của thế giới. 

Bằng những kỹ thuật thiền Raja Yoga, chẳng hạn như những kỹ thuật được dạy trong các bài học của Hội Tự Giác, nhân loại vừa có công nghệ tiên tiến nhất và vừa có cách để sống một cuộc sống trọn vẹn thực sự, một cuộc sống tràn ngập hòa bình và niềm vui luôn luôn tươi mới, đồng thời đạt được tiềm năng cao nhất của chúng ta.

“Hãy mở cánh cửa của sự điềm tĩnh và để những bước chân của sự tĩnh lặng nhẹ nhàng bước vào ngôi đền trong mọi hoạt động của bạn. Thực hiện tất cả mục tiêu một cách thanh thản, thấm đẫm hòa bình. Đằng sau nhịp đập của trái tim mình, bạn sẽ cảm thấy nhịp đập của sự bình an trong Đức Chúa Trời. Hãy lấp đầy trái tim bằng sự bình yên của thiền định ”. – Paramahansa Yogananda

Sự thành tâm và “Yếu tố cá nhân trong việc tìm kiếm Chúa”

* Lời dẫn: Nội dung của bài này nói về 2 khía cạnh để thành công trên con đường tâm linh, đó là việc tu tập các kỹ thuậtsự thành tâm (hay sự sùng kính, mộ đạo….) mang yếu tố cá nhân. Yếu tố cá nhân ở đây có thể là bất cứ thứ gì chúng ta tin tưởng và tìm kiếm trên đường đạo, có thể là Chúa, Phật, Thần thánh, các vị đạo sư, bạn bè v.v… 

Paramahansa Yogananda tuyên bố: Kriya Yoga cộng với sự thành tâm (hay sùng kính) – sẽ hoạt động giống như nguyên lý toán học; nó không thể sai.”

Đối với bất kỳ ai bắt đầu thực hành yoga và các kỹ thuật thiền liên quan, chẳng hạn như những người được dạy trên con đường Kriya Yoga, SRF chỉ ra sự cần thiết của việc nuôi dưỡng mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với khía cạnh Thần thánh thu hút trái tim họ nhất. Xét cho cùng, như Paramahansaji đã nói rõ: “Có một yếu tố cá nhân trong việc tìm kiếm Chúa quan trọng hơn sự thành thạo toàn bộ khoa học về Yoga”. Chúng ta nên theo khoa học yogic để đến được cánh cửa kết nối với sự Vô hạn, nhưng rồi tình yêu của chúng ta, niềm khao khát cá nhân của chúng ta, là điều kiện cần thiết để Chúa đưa chúng ta qua cánh cửa đó.

Bạn có thể nghĩ về Đức Chúa Trời như là Cha Thiên Thượng, hoặc là Mẹ thiêng liêng, Bạn bè hoặc Người yêu dấu. Một số cảm thấy bị lôi cuốn khi thấy Chúa hiển hiện trong một vị đạo sư thực sự hoặc hóa thân thần thánh như Chúa Kitô hoặc Krishna, hoặc họ có thể bị thu hút đến một khía cạnh vô hình tướng lớn hơn như Tình yêu vô hạn, Phúc lạc hoặc Trí tuệ. Bất kể hình ảnh thần thánh nào lay động trái tim bạn nhất, hãy toàn tâm tìm kiếm Điều đó, với ý thức rằng bằng lòng sùng kính và sự kết hợp cuối cùng với Thần thánh, bạn sẽ thỏa mãn một khao khát mà không gì khác có thể thực hiện được.

Paramahansaji nói rằng “Chúa lắng nghe ngôn ngữ của trái tim bạn – ngôn ngữ đến từ sâu thẳm con người bạn.” Thầy gợi ý rằng sau khi thực hành các kỹ thuật thiền định, và dành thời gian để đắm chìm trong sự tĩnh lặng sau đó, mọi người nên nói chuyện với Thần thánh mà không cần hình thức, không giả vờ — mà chỉ đơn giản, với tình yêu của trái tim mình. Bạn có thể khẩn cầu gọi Mẹ Vũ trụ như một đứa con đòi mẹ và nói rằng, “Xin Người hãy biểu lộ bản thân, biểu lộ chính mình.” Hoặc bạn có thể muốn đặt câu hỏi với Chân Thần thông thái, khẩn khoản tìm kiếm chỉ dẫn về những vấn đề cấp bách nhất trong cuộc sống của bạn.

Khoa học về thiền định yoga, là nền tảng của giáo lý Raja Yoga, đưa chúng ta vào sự hiệp thông trực tiếp với Thần thánh. Trong trạng thái tiếp thu chân thật nhất, chúng ta cho phép bản thân tự nhiên ngẫu hứng trong quá trình giao tiếp từ sâu thẳm con người mình — trao cơ hội lên tiếng cho trái tim, tâm trí và linh hồn của chúng ta theo một cách hoàn toàn cá nhân. Một cách tự nhiên nhất theo thời gian, cuộc trò chuyện đó sẽ biến thành cách thể hiện tình yêu thương hai chiều cao siêu nhất. “Sự thành tâm thực sự,” Paramahansaji nói, “giống như một sợi dây câu chìm xuống đáy biển của nhận thức về Chúa.”

Trong những lời sau đây của Paramahansaji, người lữ khách trên con đường tâm linh có thể nghe thấy một lời hứa vang dội và duy nhất, bất kể khía cạnh nào của Đấng Sáng Tạo là hấp dẫn nhất: “Trong Ngài, bạn sẽ tìm thấy tất cả tình yêu của mọi con tim. Bạn sẽ tìm thấy sự hoàn chỉnh. Tất cả những gì thế gian cho bạn và sau đó lấy đi, để lại bạn trong đau đớn hoặc vỡ mộng, bạn sẽ tìm thấy trong Chúa bằng một cách tuyệt vời hơn nhiều, và không hề có nỗi buồn sau đó. “

Chuyển ngữ: Công Tôn Tuấn
Biên tập: Lien Kriya
Nguồn: https://yogananda.org/yoga-union-with-bliss-through-meditation


Chia sẻ