Dù bạn là ai? sống cuộc sống như thế nào? nếu bạn đang tìm kiếm một thứ gì đó thì chắc chắn bài viết này cần cho bạn. Giống như Neo trong Matrix luôn bị ám ảnh đi tìm kiếm sự thật của cuộc sống.
Chắc có đôi lần bạn có nghe đến từ “Tỉnh thức”. Vậy Tỉnh Thức là gì? và nó có tác dụng gì trong cuộc sống? Sau đây tôi sẽ viết về những trải nghiệm của bản thân qua thời gian thực hành Tỉnh thức:
1. Sơ lược về tỉnh thức.
Trong cuộc sống thường ngày chúng ta thường có xu hướng tập trung vào cảnh vật xung quanh, chìm đắm vào quá khứ, suy nghĩ đến tương lai… mà quên đi mất chính mình. Chính trạng thái quên đi này làm cho chúng ta ngập ngụa trong đau khổ, trong sự trống rỗng vô định và trải nghiệm một cuộc đời vô nghĩa.
Tỉnh thức là khi bạn đang ở đây và ngay lúc này để trải nghiệm cuộc sống; tiếng anh gọi là: mindfulness; ngoài ra cũng có thể gọi đó là: chánh niệm hay thiền định.

2. Tỉnh thức để làm gì?
Vốn dĩ chúng ta có những công cụ tuyệt vời để sáng tạo và làm chủ cuộc sống quanh mình, đó là: tâm trí, thân thể và năng lượng; làm chủ được những công cụ này là làm chủ và sáng tạo cuộc sống, từ phàm sang Thánh chỉ đơn giản là vậy. Tuy nhiên do không có nhân duyên nên chúng ta chưa gặp được một vị thầy chỉ bày để nhận ra được sự thật này.
Thực hành tỉnh thức sẽ dần dần tạo nên một luồng sức mạnh bên trong, luồng sức mạnh này được gọi là “Tâm lực”. Đây là sức mạnh chân thật và mạnh mẽ nhất, thứ duy nhất có thể kiểm soát và thay đổi cuộc sống, giúp con người vượt lên trên nghiệp quả, số phận và trở thành sinh mệnh “Thần thánh” (những người có thể chủ động sáng tạo thực tại). Tiếp theo tôi sẽ phân tích những điều vừa nói:
– Tại sao lại nói có thể kiểm soát và thay đổi cuộc sống?
Dù bạn đang gặp bất cứ vấn đề nào đó trong cuộc sống, nếu quan sát kỹ bạn sẽ nhận ra có những mô thức được lập trình bên trong tạo nên những thói quen và gây ra vấn đề đó. Thực hành tỉnh thức sẽ giúp bạn nhận ra và thay đổi hoàn toàn những mô thức đó.
Ví dụ: bạn có thói quen luôn lo lắng về mọi việc và không thể thoát khỏi nó được. Điều này là do trong quá khứ bạn bị ảnh hưởng bởi tâm trí của người khác, trải qua những kinh nghiệm khó khăn,… tất cả vun bồi liên tục theo năm tháng đã chi phối cuộc sống của bạn.
– Vượt lên trên nghiệp quả
Tương tự như trên, nếu nhận ra những mô thức chi phối cuộc sống bạn cũng sẽ nhận ra phần lớn cuộc sống chúng ta bị chi phối bởi nghiệp lực (hay có thể gọi là những ký ức) những ký ức này tạo thành những cá tính, thói quen chi phối hoàn toàn cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ: một người đã từng trộm cắp nhiều lần sẽ tạo thành một thói quen và họ luôn bị chi phối bởi thói quen đó, bất cứ lúc nào thấy tài sản của người khác hớ hênh thì bên trong họ đều nổi lên một vọng niệm thôi thúc phải lấy thứ đó… đến một ngày họ sẽ bị bắt gặp và hưởng nghiệp báo. Mọi người suy nghĩ đơn giản khi làm xong một việc gì đó là xong, tuy nhiên việc làm đó tạo ra ký ức, ký ức được vun bồi trong vô thức sẽ tạo ra ham muốn, ham muốn sẽ tạo ra nghiệp lực chi phối cuộc sống của chúng ta.
Khi ở trong trạng thái luôn tỉnh thức thì bạn không thể bị chi phối bởi nghiệp quả được. Đơn giản là vọng tâm không thể sinh khởi nên không có sợ hãi, thương ghét hay khổ đau và đồng thời ưa thích, mê đắm, hài lòng … tất cả nhị nguyên đều không tồn tại khi bạn tỉnh thức. Lúc này chỉ còn lại sự chân thật.
– Sáng tạo nên thực tại
Đây là khi bạn nhận ra được sự thật và hiểu được quy luật vi tế của cuộc sống, trong Phật giáo gọi là vạn pháp duy tâm tạo. Tức là tất cả cuộc sống xung quanh bạn bị chính sự sống trong bạn chi phối không có gì nằm ngoài đó được, mỗi hành động của bạn, dù là nhỏ nhất cũng có sức mạnh tác động đến mọi thứ xung quanh, nếu hiểu và vận dụng được điều này bạn sẽ làm chủ được cuộc sống. Tôi nói nhận ra có nghĩa là bạn trải nghiệm điều đó chứ không phải hiểu nó bằng việc đọc sách.
Khi nhận ra điều này bạn đã chạm đến sự tự do, mỗi sự việc xảy đến bạn đều nhận thức rõ tại sao nó lại xảy ra và bạn muốn làm gì với nó cũng được. Lúc này bạn trở thành người sáng tạo nên thực tại đang sống.
3. Thực hành tỉnh thức thế nào?
Thực hành tỉnh thức thực ra rất giống việc nhớ ra mình là ai và tự nhủ: Tôi đang ở đây, ngay lúc này và trải nghiệm cuộc sống này. Hoặc cũng có thể nói: ăn biết mình ăn, ngủ biết mình ngủ, đói biết mình đói.
Đừng lầm lẫn rằng tập trung đắm chìm hoàn toàn vào việc đang làm là tỉnh thức. Thực hành tỉnh thức nghĩa là bạn biết rằng bạn đang làm việc đó, ngoài ra không có gì khác. Đây chính là Phật pháp, là tam bảo để phật tử nương tựa vượt qua khổ đau.
Mục tiêu là tỉnh thức hoàn toàn, tức là lúc nào cũng ý thức trong từng giây phút và không bị bất cứ thứ gì lôi kéo.
Thời gian đầu khi thực hành chúng ta vẫn bị chi phối bởi nghiệp lực nên đầu óc luôn luôn có những suy nghĩ rối loạn lôi kéo. Giai đoạn này cần phải tập cách làm chủ thân thể và tâm trí để vượt lên nghiệp lực.
Bất cứ việc gì bạn nhận ra là không có lợi cho chính mình hãy thay đổi nó, chỉ cần kiên trì ngoài ra không cần gì cả. Dậy sớm 30 phút, tập thể dục sáng chiều mỗi lần 15 phút, dành ra 30 phút mỗi ngày để tự suy ngẫm về bản thân hoặc thiền định… Những việc làm nhỏ nhặt nhưng đều đặn này dần dần sẽ vun bồi tâm lực bên trong và rồi bạn sẽ làm chủ được thân thể và tâm trí.

Ban đầu bạn sẽ thấy rất vô ích nhưng chỉ cần kiên trì thôi, hãy kiên trì rồi bạn sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Ở đây tôi xin nói rõ một sai lầm phổ biến mà mọi người hay gặp phải. Chính những khó khăn, đau khổ, vui sướng… mà mọi người trải nghiệm hàng ngày là điều kiện cần thiết để ta làm chủ chính mình. Đừng tránh né khổ đau, hãy trân trọng mọi trải nghiệm, vì chính nó là nơi bạn giác ngộ. “Phiền não là bồ đề”, tức ngay lúc ta nhận ra mình đang phiền não ta thực hành tỉnh thức và giữ cho mình biết chuyện đó, nếu giữ sự tỉnh thức này liên tục trong 5-10 phút, bạn sẽ nhận ra trong sự việc vừa trải nghiệm không còn phiền não nữa mà chỉ còn sự tĩnh lặng rỗng không.
Qua thời gian bạn sẽ nhận ra mình dần làm chủ được tâm trí và thân thể. Muốn suy nghĩ lúc nào thì suy nghĩ, muốn dừng suy nghĩ lúc nào thì dừng; muốn thức dậy giờ nào thì thức, muốn ăn gì thì ăn… Lúc này tiền bạc, tình cảm, gia đình… những thứ bạn từng cho là quan trọng giờ không có ý nghĩa gì cả, bạn nhận ra đây mới là sự tự do và chân thật. Đồng thời bạn hiểu rằng tại sao lại nói mọi người đang mê ngủ.
Hãy nhớ, làm chủ thân thể và tâm trí chỉ là cầu nối để bạn nhận ra chính mình. Luôn thực hành tỉnh thức bất cứ lúc nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Ban đầu bạn sẽ có rất nhiều câu hỏi, nhưng đừng suy nghĩ gì cả chỉ tiến về phía trước, tất cả mọi câu trả lời dần dần sẽ hiện ra và dâng mình dưới chân bạn.
4. Thực tế quá trình thực hành và nhận ra của bản thân.
Trước đây tôi sống một cuộc sống đủ đầy và yên bình. Hàng ngày tôi chỉ việc đi làm và cuối tuần về sum họp với gia đình. Tuy nhiên trong tôi có một khoảng trống vô hình mà tôi không rõ là gì? Cảm giác như mình sống một cuộc sống như robot, một cuộc sống vô nghĩa.
Mãi cho đến một hôm có nhân duyên xem được clip của Johnny Trí Nguyễn nói về cái chết. Trong tôi có một sự chấp nhận lạ lùng với quan điểm rằng mình là sự tồn tại bất tử đang trải nghiệm cuộc sống qua thân xác. Từ đó tôi đến với tâm linh và nó mở ra cho tôi một chân trời mới với nhiều định nghĩa mới: luân hồi, phật pháp, không thời gian, năng lượng, thánh thần,…
Và tôi cũng đã từng nghĩ rằng giác ngộ là trở thành một ai đó siêu việt vượt ra khỏi hiểu biết của chúng ta. Rồi tình cờ trong một clip tôi được khai thị về bản tâm thanh tịnh của chính mình, từ đây quá trình tự nhận thức sự thật bắt đầu.
Hàng ngày tôi ép mình dậy sớm, tập thể dục, đọc sách tâm linh, thực hành các pháp thiền khác nhau… Những việc này hỗ trợ cho tôi gỡ bỏ đi những chấp nhất và phân biệt thường ngày đối với cuộc sống. Rồi tôi nhận thấy mình dần không có nhu cầu gì cả: ăn gì cũng được, ai thương cũng được, ghét cũng không sao, tiền nhiều cũng được, ít cũng không sao, công việc chỉ là công việc, không có việc nặng việc nhẹ, món ngon món dở cũng chỉ là đồ ăn… dần dần tôi chấp nhận và hài lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình. Lúc này sự bình an trở nên sâu sắc, tôi cảm thấy yêu cuộc sống và mọi người xung quanh và ngộ ra chân lý.
Kiên trì thực hành Tỉnh thức kết hợp với tu dưỡng bản thân, qua thời gian khoảng 1 năm trong tôi một nhận thức mới lớn dần lên mà khó có thể miêu tả chính xác, xin mượn câu nói trong bộ sách “Đối thoại với Thượng Đế”:
Ta là Thứ đang tồn tại, và cũng là Thứ không tồn tại. Là Đấng chuyển động trong bất động.
Tôi đã thực sự chạm đến và cảm nhận được điều đó.
Trước đây khi tôi trải nghiệm một sự việc thì ký ức sẽ lưu lại kèm theo những chấp nhất và phân biệt. Khi thực hành tỉnh thức và trải nghiệm một sự việc thì tôi đã hiểu được chân thật là gì, tánh không của vạn pháp là gì… Lúc này trải nghiệm cũng được lưu lại nhưng sẽ không còn chấp nhất và phân biệt; sự việc đó chỉ là như vậy, không có gì khác nữa. Đây là cảnh giới trong Bát Nhã Tâm Kinh:
“Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật, thời quán chiếu Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…
Sắc bất dị không, không bất dị sắc…”
Đây là trực nhận mọi thứ như nó là. Là thứ mà những người tỉnh thức đang trải nghiệm. Những trải nghiệm này rất khác biệt và khó để diễn tả; có viết cả ngày cũng không thể chỉ chính xác được. Mời bạn cùng thực hành và bước vào cảnh giới này với tôi.
Trên đây là bài viết từ trải nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ giúp bạn vững tin và nhận ra sức mạnh của chính mình. Dù bạn muốn trở thành ai? đạt được những cảnh giới gì? hãy kiên định và rồi điều bạn mong ước sẽ được thực hiện.
Công Tôn Tuấn